Nguyệt San Số7


Nhöõng maûnh ñôøi bò laõng queân

Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Phóng sự quê hương   

Lời Tòa soạn: Họ là ai? Là những người lính VNCH đã một thời chinh Nam chiến Bắc, để lại nơi chiến trường một phần thân thể! Bây giờ họ lang thang trên hè phố Sài Gòn để kiếm ăn qua ngày đoạn tháng.Và một lần về thăm quê hương, tác giả chứng kiến hình ảnh một anh TPBVNCH cụt cả hai chân vào nhà hàng nhặt cơm thừa. Hình ảnh đau thương của người thương binh đã gây xúc cảm cho tác giả để viết lên câu chuyện thương tâm sau đây.

     Chúng tôi rời nhà người bạn, tản bộ trên đường Tự Do một hồi lâu rồi ghé vào nhà hàng bình dân. Kim Hoàng hình như không muốn vào ăn nơi nầy, vì có lẻ cảm nghỉ không xứng cho giai cấp Việt Kiều của mình. Kim Hoàng ngăn tôi:
- Mình tìm nhà hàng khác đi anh?
- Sao vậy em?
- Nhà hàng nầy không đúng tiêu chuẩn phục vụ!
- Tiêu chuẩn gì? Không đúng tiêu chuẩn tại sao có đông thực khách đang ngồi ăn?
- Họ thuộc tầng lớp dân lao động.
- Dân lao động cũng là con người! Họ cũng biết chọn quán ăn ngon để thưởng thức.
     Tôi nắm tay Kim Hoàng mới chịu đi theo tôi vào nhà hàng. Tôi gọi cơm thịt kho hột vịt, Kim Hoàng không ăn chỉ uống nước ngọt. Đang ăn, bổng có tiếng quát mắng của người chủ nhà hàng:
- Ông nầy lì lợm quá! Đã nói nhiều lần là không cho vào trong nhà hàng ăn xin mà không nghe. Ra ngoài sân đi...
    Tôi nhìn ra cửa thấy một người cụt hai chân lết vào nhà hàng, trên tay cầm chiếc ca nhựa, vói lên bàn đỗ vội vàng những thức ăn thừa vào chiếc ca rồi bò nhanh ra ngoài. Thấy vậy, tôi bảo bà chủ:
- Làm cho ông ấy một phần cơm, tôi trả tiền.
     Bà chủ nhà hàng nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, nói hơi ngượng:
- Ông ăn xin nầy ngày nào cũng đến đây chờ chực lấy đồ ăn thừa, cản trở thực khách vào ăn uống!
- Tôi thấy ông ta vào nhà hàng, chỉ nhặt thức ăn thừa rồi quay trở ra ngay, có gì cản trở khách của bà?
     Bà chủ nhà hàng vả lả:
- Chính quyền đã nhiều lần bắt những người ăn xin trong thành phố, chở đi vào nơi tập trung nuôi dưởng mà sao không chịu ở, trốn về làm ăn xin, bọn họ thật là khờ dại.
- Trên đời có ai không muốn sống no ấm đâu! Nếu ở nơi tập trung nuôi dưởng của nhà nước Việt Nam, có ăn no mặc ấm đầy đủ, thì họ trở về làm kiếp ăn xin chi cho khổ thân?
     Tôi đứng lên trả tiền rồi ra ngoài tìm người ăn xin để đưa phần cơm tôi mua cho ông ta. Người ăn xin đang ngồi ăn nơi góc đường, dưới mé hiên của gian hàng điện tử đã đóng cửa nghỉ bán về đêm. Tôi đến bên ông ta, khẻ bảo:
- Cho anh phần cơm nầy.
     Người ăn xin ngước nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên, hỏi lại:
- Ông cho tôi hả?
- Vâng! Tôi cho anh.
- Cám ơn ông! Cám ơn ông!.
     Người ăn xin đưa hai tay tỏ ý kính trọng tôi,  nhận lấy phần cơm. Tôi nhìn thấy trên cánh tay có xâm hàng chữ  BĐQ sát cộng. Xác định anh là người lính VNCH ngày xưa nên tôi ngồi xuống hỏi chuyện:
- Anh là thương phế binh VNCH phải không?
     Người ăn xin rụt rè đáp nhỏ:
- Dạ phải.
- Anh ở đơn vị nào?
     Người ăn xin nghe tôi hỏi đến đời binh nghiệp, như hảnh diện trả lời:
- Dạ em tên Trần Quốc Nam, trung sĩ nhất, thuộc tiểu đoàn 32, binh chủng Biệt Động Quân...
     Rồi Nam bùi ngùi than thở:
- Nhưng chế độ VNCH đã đi vào quên lãng rồi! Nhắc chi đời binh nghiệp cho đau lòng những người tàn phế như chúng tôi. Sống trên đời, vì tiền thì chuyện gì người ta cũng làm được! Em lấy điển hình như là chuyện Việt Kiều về nước thăm  quê hương. Thật là một chuyện trơ trẻn của nhà nước Việt Nam, ca ngợi Việt Kiều mỗi ngày trên đài phát thanh, đài truyền hình. Ngày xưa CSVN  coi những người bỏ nước trốn ra ngoại quốc là tội phạm phản quốc. Bây giờ thì kêu gọi Việt Kiều trở về xây dựng  đất nước. Ngụy Quân, Ngụy Quyền nên quên đi quá khứ hướng về tương lai đất nước. Nhà nước CHXHCNVN ca ngợi Việt Kiều  là khúc ruột ngàn dặm của tổ quốc Việt Nam, Việt Kiều là những nhân tài của đất nước đang cần ...Nhưng em không trách bọn CSVN tuyên truyền, chỉ trách cho những người Việt Kiều mới đây đã vội quên đau thương thù hận để làm người áo gấm về làng giữa lúc dân Việt Nam còn nghèo đói! Có vài ông tướng, ông tá của VNCH trở về tuyên bố lếu láo về chính sách Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc.
     Tôi ngắt lời Nam, phân tích:
- Em nói cũng đúng phần nào thôi, đa số Việt Kiều về Việt Nam chỉ với mục đích thăm lại thân nhân, thăm lại họ hàng, bè bạn...
- Đồng ý với anh! Nhưng có người bỏ nước ra đi mới được chừng vài năm, trở về thăm quê hương ra vẻ ta đây quí phái, sang trọng,  không đi ăn những nhà hàng bình dân. Xóm của em ở có thằng Tửng, làm nghề chài lưới trên sông, gặp lúc người ta tổ chức vượt biển, nhờ nó làm taxi rồi được cho đi theo. Bây giờ trở về nước, có cái tên mới là Michael, bà con trong xóm không quen gọi tên nó theo tiếng Ăng-lê, nên đặt cho nó cái tên ba-rọi là Cồ-Tửng. Michael bây giờ không còn ăn được nước mắm, cho rằng nước mắm làm không có vệ sinh. Đi ăn cơm thì chọn lựa những nhà hàng cao cấp, chê bai nhà hàng bình dân không có bào ngư, vi cá. Tình đời là vậy! Giàu đổi bạn sang đổi vợ! Nghe nói Cồ-Tửng về Việt Nam lần nầy lấy cô vợ nhỏ hơn nó ba mươi tuổi, bỏ bà vợ già hồi thuở hàn vi. Tôi nghiệp cho bà vợ già của Cồ-Tửng bị chồng bỏ rơi và còn phải nuôi hai đứa con, một đứa bị tật nguyền, hoàn cảnh cũng khổ sở lắm!...
     Nam ngừng nói, nhìn tôi hỏi:
- Hồi nảy giờ em nói chuyện với anh, nhưng không biết anh làm gì?
     Tôi cố dấu thân phận Việt Kiều, trả lời:
- Anh ở Miền Tây, tận miệt Sông Đốc tỉnh Cà Mau, lên Sài Gòn mua bán..
- Trông anh giống Việt Kiều hơn là dân trong nước!
- Căn cứ vào đâu mà em nói anh giống Việt Kiều?
- Hàng ngày em đi ăn xin thường hay gặp mấy người Việt Kiều nên biết nhận dạng. Họ có nước da trắng, má đỏ hồng và ăn nói nhò nhẹ hơn người trong nước. Họ không vào ăn những nhà hàng bình dân như anh đã ăn khi nảy đâu!
     Nghe Nam khen Việt Kiều, tôi mỉm cười:
- Việt Kiều hay người trong nước cũng vậy thôi! Có người nầy kẻ nọ. Việt Kiều gặp chuyện cũng chưởi thề không ngượng miệng.
     Nam gật đầu như đồng ý với sự phân tích của tôi, cười khằng khặc:
- Anh nói cũng đúng. Như thằng Cồ Tửng, nó hay nói phắc phắc  ( fuck )... Nghe vậy, tôi hỏi một ông bạn hàng xóm với tôi biết nói tiếng Anh. Ổng ta bảo là Michael Tửng chưởi thề tục tỉu.
     Kim Hoàng từ nảy giờ lặng thinh. Nghe Nam diển tả lại lời chưởi thề của Michael, Kim Hoàng bụm miệng cười rồi nói với Nam:
- Như vậy thì em đừng vội khen mấy người Việt Kiều nha.!
    Nam nhẹ giọng nhắc lại những trường hợp xảy đến với mình trong kiếp sống hành khất:
- Nhưng dù sao thì Việt Kiều cũng có lòng từ thiện hơn  những kẻ giàu có ở trong nước. Cách nay hơn một tháng, em lết trên đường phố về nhà vào buổi chiều trời mưa. Bổng một chiếc taxi dừng lại bên lề, người đàn ông ngồi ghế trước quay cửa kính xuống, ra hiệu bảo em bò lên xe. Ông ta cho tài xế đưa em về tận nhà. Khi xuống xe ông ấy còn cho em một tờ giấy bạc hai mươi đồng của Úc. Tờ dollar đó bây giờ em còn giữ làm kỹ niệm! Em rất tiếc là hôm đó em quên hỏi địa chỉ của ông ta để có dịp viết thư thăm hỏi và nói lời cám ơn. Thêm một lần nữa, trước cửa nhà hàng Mỹ Cảnh. Em bị mấy thằng bảo vệ kéo lôi ra ngoài, không cho em đến gần cửa ra vào. Có một cô gái bước xuống từ chiếc xe hơi, nhìn thấy em bị kéo lê, liền đến ngăn chận anh bảo vệ rồi móc túi ra cho em mười dollars Mỹ. Cô ta bảo em ngồi chờ, khi cô ăn xong sẽ đưa em về nhà...Kiếp ăn xin như chúng em, gặp sự giúp đở của Việt Kiều nhiều hơn người trong nước...
     Nghe Nam than thở, tôi khẻ hỏi:
-  Nhà nước CSVN có chương trình chăm lo người tàn tật, cấm không cho đi ăn xin, đem về một nơi để nuôi dưỡng. Em có được hưởng sự trợ giúp nầy không?
-  Những cơ quan từ thiện quốc tế cho tiền, không đủ chúng chia nhau bỏ túi, còn đâu đến mình! Vả lại chính quyền CSVN ưu tiên cho thương binh của chế độ họ, có dư đâu cho mấy thằng Ngụy như chúng em!
      Khi Nam nhắc đến thương phế binh VNCH, tôi nhớ lại chương trình gây quỹ của ông Ng-C-T mà tôi có lần tham dự ở Nam Úc, nên hỏi :
- Thời gian qua em có nhận được tiền giúp đở của tổ chức hội từ thiện Thương Phế Binh VNCH ở hải ngoại không? 
     Nam lắc đầu, buồn nói:
- Em có nghe những người bạn nói về việc nầy. Nhưng hội đòi hỏi điều kiện quá gắt gao, phải đầy đủ giấy tờ chứng minh như: Giấy căn cước quân nhân, giấy chứng nhận thương phế binh, thẻ lương.v..v. Những thứ giấy tờ ấy em làm sao có được! Bởi vì chiều ngày 30/4/1975 em còn đang nằm điều trị trong Tổng Y Viện Cộng Hòa, vết thương chưa lành đã bị bọn Cộng Sản ác ôn đuổi ra khỏi bệnh viện. Về  nhà, thiếu thốn thuốc men nên vết thương bị nhiểm trùng, tưởng em đã chết!
     Nam thở dài tiếp:
- Thà chết đi cho xướng tấm thân. Bây giờ khỏi phải lê lết trên đường phố làm kiếp ăn xin!
- Em có gia đình không?
- Có. Nhưng vợ bỏ em đi lấy chồng khác từ lâu rồi!
- Bây giờ em sống ở Sài Gòn với ai?
- Với cha mẹ già! Chỉ có làm bậc cha mẹ mới không nở bỏ rơi đứa con tàn tật nầy thôi. Không biết rồi đây em sẽ ra sao khi cha mẹ em qua đời! 
     Kim Hoàng nghe Nam nói những lời chân tình về gia cảnh, lấy trong túi ra hai trăm ngàn tiền Hồ:
- Chị cho em mua gạo .
    Nam  nhìn cảm động:
- Cám ơn anh chị! Em không gì đền đáp lại, chỉ cầu chúc cho anh chị hạnh phúc và làm ăn phát đạt.
    Tôi không cải chính sự hiểu lầm của Nam về tôi với Kim Hoàng là vợ chồng. Tôi chợt nhớ đến điều có thể giúp Nam xin tiền từ Hội Bạn Thương Phế Binh VNCH ở Úc, nên hỏi:
- Em còn nhớ số quân và có tấm hình nào trong thời còn ở quân ngủ không? Anh sẽ nhờ người bạn thân bên Úc giúp em xin tiền từ Hội Bạn Thương Phế Binh. Một năm được giúp đở một trăm dollars, miếng khi đói bằng một gói khi no...
- Số quân thì không bao giờ em quên...Còn hình thì chỉ còn một tấm duy nhất em chụp chung với mấy thằng bạn trong quân trường..
- Cũng được!
     Nam thuộc lào số quân trong đầu, đọc nhanh không vấp , như đang trình diện vị chỉ huy sau lần nghỉ phép trở lại đơn vị:
- Trần Quốc Nam số quân 195425471...
    Tôi lấy viết  rồi bảo Nam đọc chậm lại một lần nữa để ghi vào tờ giấy. Nam khẻ hỏi tôi:
- Còn hình? Làm sao gặp anh chị để em đưa. Nhưng tấm hình nầy là duy nhất còn lại kỹ niệm một đời binh nghiệp của em! Mình có thể photocopy  gởi cho họ được không anh?
- Không sao! Anh sẽ copy lại rồi trả cho em tấm hình bản chánh.
     Tôi quay sang Kim Hoàng:
- Mai anh về quê, nhờ em  hẹn Nam, gặp ở đâu để lấy tấm hình dùm anh?
     Kim Hoàng không do dự, đáp nhanh:
- Cứ bảo Nam đến nhà em, bất cứ lúc nào. Nếu em không có nhà thì gởi cho người làm...
     Bây giờ nghe Kim Hoàng nói, Nam mới biết ra tôi và Kim Hoàng không phải vợ chồng, Nam nói:
- Xin lỗi anh và chị, em đã hiểu lầm anh chị là đôi vợ chồng.
       Kim Hoàng đưa miếng giấy ghi địa chỉ nhà cho Nam rồi chúng tôi chào nhau đi về. Thành phố mang tên Hồ Chí Minh, bây giờ về đêm cũng náo nhiệt với cuộc sống ăn chơi ném tiền qua cửa sổ của những quí tử con Đảng viên, con tư bản Đỏ. Những nhà hàng cao cấp, vũ trường... bắt đầu sinh hoạt nhộn nhịp trở lại, không thua gì Sài Gòn của thập niên sáu mươi. Tôi đi bên cạnh Kim Hoàng, nhớ về những kỹ niệm nghìn trùng xa cách. Nhiều con đường Sài Gòn bây giờ đã đổi tên, trở thành xa lạ với tôi! Nhưng trong tôi, dư âm vẫn còn đây tiếng giầy những lần lê bước chân tản bộ trong đêm khuya trở về căn nhà trọ nằm hun hút sâu trong con hẻm nhỏ tối đen của khu Chánh Hưng, xóm dân lao động nghèo! Chỉ khác hơn, hiện tại tôi đi trên những con đường mang tên những kẻ mù quáng chết cho chủ nghĩa phi nhân, độc tài. Cái chết của họ chẳng làm lợi ích  gì cho đất nước, cho dân tộc. Giờ đây, những sự thật lịch sử từ từ sẽ được vén lên, thì cái chết của Lê Văn Tám, Nguyễn Văn trổi, Mai Thị Non, Lê Thị Hồng Gấm.v..v. có phải là những oan hồn hờn căm kẻ lảnh đạo đã dối gạt họ: Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào! Rồi bây giờ van xin bang giao với Mỹ để ngỏ hầu phát triển kinh tế, bám lấy quyền lực cai trị.    
     Con đường Gia Long giờ đây cũng đổi tên thành Lý Tự Trọng: Một anh hùng được dựng lên có tính huyền thoại để tuyên truyền về gương hy sinh cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Tôi mãi bước đi, ngang qua thư viện Quốc Gia ngày xưa,  thấy cao ốc thư viện mới chợt xác định ra từ nảy giờ mình đã đi bộ qua những con đường dài của thành phố Sài gòn. Những con đường một thời nổi tiếng của các tòa nhà cao tầng với kiến trúc tân thời theo lối Mỹ, hay con đường Duy Tân có hàng cây dài bóng mát, hoặc con đường Cường Để trả lại em yêu khung trời đại học... Cao ốc thư viện Quốc Gia, đã trải qua những thăng trầm thế sự, vẫn hiên ngang sừng sửng như ngày nào, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt! Ngày xưa tôi cũng thường vào đây để đọc sách chờ người yêu đến. Tôi thoáng hiện trong lòng một cảm nghỉ: Cảnh cũ người đây luống đoạn trường! Không biết  thư viện bây giờ có còn làm nơi hò hẹn cho những đôi tình nhân gặp nhau trò chuyện tâm sự hay không ?